TTCT - Có lẽ trong số những người nước ngoài làm việc ở Việt Nam, người phụ nữ New Zealand Trish Summerfield - giám đốc Trung tâm Giá trị sống - là một trong những người có nhiều lần ăn tết ở Việt Nam nhất: 14 cái tết, tính cả Tết Quý Tỵ 2013.
Mảnh đất Việt níu chân Trish Summerfield bắt nguồn từ một “duyên nợ” hơn 15 năm trước, khi cô còn là một giáo viên ở New Zealand: “Trong lớp học của tôi có một cậu học sinh tên Việt. Sự thông minh, nhanh nhẹn, hóm hỉnh và hòa nhã của cậu ấy làm tôi rất ấn tượng. Cậu ấy có khả năng làm cho tất cả mọi người cười và tôi tự hứa với mình phải hiểu thêm về Việt Nam - một đất nước mà tôi chưa từng biết gì trước đó”.
Và Trish Summerfield bắt đầu thực hiện lời hứa của mình vào năm 1998, khi đến Việt Nam để phụ trách Chương trình Giá trị sống - chương trình giáo dục do Hội giáo dục quốc tế, một hiệp hội phi lợi nhuận, soạn thảo nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Lấy người học làm trọng tâm, trong 14 năm qua, Trish Summerfield đã miệt mài xây dựng nhiều mô hình giáo dục thực hành giúp người học trải nghiệm, khám phá những giá trị cốt lõi của chính mình, áp dụng chúng để tìm được một cuộc sống hạnh phúc.
Đánh thức những giá trị tích cực
“Càng ngày, càng nhiều người nhận ra rằng những vấn đề của chúng ta hôm nay như chiến tranh, dịch bệnh, suy thoái kinh tế, thảm họa môi trường đều có mầm mống là những giá trị tiêu cực của chúng ta. Nếu chúng ta có thể đánh thức những giá trị tích cực như tình yêu với thiên nhiên, tính vị tha giữa người và người, sự đoàn kết, giản dị, trung thực... không chỉ những vấn đề đó được giải quyết một cách tận gốc rễ, mà con người cũng sống thanh thản hơn, ít áp lực hơn và hạnh phúc hơn” - Trish cười và nói một cách nhẹ nhàng, khiêm tốn.
Sự khiêm tốn của Trish Summerfield thật đáng ngưỡng mộ khi cô là người đã khơi dậy giá trị và niềm hứng khởi sống cho hàng trăm ngàn người Việt Nam. Các chương trình giáo dục giá trị sống (LVEP) do cô và đồng nghiệp xây dựng đã được nhiều cơ quan, tổ chức như Ban khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam, Ủy ban Phòng chống HIV TP.HCM, Hội Tâm lý Hà Nội, Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em... áp dụng.
Được sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và đào tạo, LVEP đã được nhân rộng tại hàng trăm địa điểm như các trường học, nhà văn hóa, câu lạc bộ, trường đại học. Đến nay hơn 18.000 giáo viên và đào tạo viên từ khắp mọi miền đã được tập huấn về LVEP và đang từng ngày thay đổi thái độ, suy nghĩ, cảm xúc và hành động của rất nhiều người Việt, bao gồm những người nghiện ma túy, trẻ em đường phố, những bệnh nhân HIV...
Khi tôi hỏi những kỷ niệm mà cô nhớ nhất khi tiếp xúc với các học trò, Trish thốt lên rằng nhiều, nhiều lắm. “Bốn năm trước, khi tôi đang đi trên đường Trần Quốc Toản, TP.HCM, một chàng trai trẻ gọi tên tôi và hỏi: “Cô Trish, cô còn nhớ em không? Em đã dự lớp học của cô ở Trung tâm cai nghiện Nhị Xuân nhiều năm trước”.
Tôi lặng người khi cậu ấy nói rằng đĩa CD mà tôi tặng cậu ấy về cách suy nghĩ tích cực đã khiến cậu thay đổi rất nhiều. Cậu ấy đã tặng lại cái đĩa đó cho cha mẹ của cậu và ngày nào hai ông bà cũng lắng nghe. Cậu ấy chỉ cho tôi một cửa hàng khang trang nơi cậu ấy đang làm việc. Tôi rơi nước mắt vì cậu ấy đã thật sự hội nhập với cuộc sống, đã tìm lại cuộc sống cho chính mình”.
Những kỷ niệm nho nhỏ như thế tiếp thêm cho Trish nguồn năng lượng lớn lao khi làm việc. “Thật vui khi tôi được biết là sau các khóa đào tạo của chúng tôi, hiện nay 75% trung tâm cai nghiện trên cả nước đang áp dụng các phương pháp giá trị sống tích cực cho chương trình giáo dục của mình” - Trish nói, đôi mắt cô ánh lên niềm vui.
Không hài lòng với những gì làm được, Trish Summerfield không ngừng sáng tạo ra các bộ công cụ giáo dục nhằm khơi dậy giá trị sống tích cực cho các lĩnh vực như: môi trường, gia đình, sức khỏe... Cô đã và đang phối hợp với Ban khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam xây dựng hàng loạt chuyên đề về giá trị và khám phá bản thân, với tên gọi “Quà tặng cuộc sống”.
Hòa mình vào cuộc sống Việt Nam
Đã làm việc lâu năm ở Úc và Nhật Bản, và cũng tham gia giảng dạy ở nhiều quốc gia, nhưng Trish thấy Việt Nam thật đặc biệt. Cô nói: “Đặc biệt nhất phải kể đến con người: các bạn đã trải qua bao cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, vậy mà vẫn rất nhẹ nhàng, thân thiện với người nước ngoài. Các bạn luôn linh động, quyết tâm học hỏi để tiến bộ, và thường thì rất khả quan về tương lai. Ở Việt Nam tôi cảm thấy mình có thể đóng góp chút ít nào đó, và điều đó làm tôi hạnh phúc”.
Sống ở Việt Nam, Trish đã trở thành người Việt từ lúc nào không biết. Cô không thích lái ôtô nữa mà thích rong ruổi cùng xe máy. Đến từ một đất nước có mùa đông rất lạnh, Trish Summerfield phải mất nhiều thời gian trong việc tự thích nghi với điều kiện nhiệt đới của Việt Nam: “Khi đến Việt Nam, tôi đã tự hỏi rằng làm sao mình có thể chịu được cái nóng khủng khiếp thế này. Những ngày đó, chỗ tôi ở còn cúp điện một ngày mỗi tuần nữa chứ. Rồi tôi nhất quyết rèn luyện để không cần dùng điều hòa nữa, vừa đỡ tốn kém, vừa khỏi gây ô nhiễm”.
Có lẽ ít ai biết phương pháp độc đáo và buồn cười mà người phụ nữ này nghĩ ra để thích ứng với cái nóng những ngày đầu: cô bỏ đá cục vào bọc nilông, sau đó cho vào các túi quần, túi áo. “Tôi cũng giắt đá lạnh lên tóc để mình bớt nóng. Kết quả là bây giờ tôi chịu được nóng tốt, ví dụ như trong nhiều tháng nay, từ lúc chuyển về ngôi nhà này, tôi chưa từng phải bật điều hòa” - Trish nói.
“Tôi đã học rất nhiều từ người Việt, đặc biệt là sự linh động. Linh động với sự thay đổi và trong mọi hoàn cảnh” - Trish nói một cách quả quyết.
Khám phá Tết
Những năm đầu tiên, khi trung tâm mới thành lập và ít tình nguyện viên, Trish đều phải lủi thủi ăn tết một mình ở một đất nước xa lạ. Và cô thật cảm động khi từ năm 2004, đồng nghiệp của cô, chị Phạm Thị Sen, đã tự nguyện không về quê ăn tết nữa mà ở lại ăn tết cùng Trish tại trung tâm. Chị Sen cho biết mỗi dịp tết về, chị đều được Trish thết đãi những món ăn đặc trưng của phương Tây, và Trish còn giành làm hết những công việc nhà như giặt quần áo, lau dọn để người bạn Việt Nam của mình đỡ tủi thân khi không được về nhà ăn tết. Họ thường ăn tết khá đơn giản, không sắm sửa nhiều.
Bất ngờ lớn đến với họ hai năm sau đó, vào tối 30 tết năm 2006, khi một tình nguyện viên đáng tin cậy đến thăm và hỏi mượn chìa khóa của trung tâm. Sáng hôm sau, khi thức dậy, Trish kinh ngạc khi thấy Trung tâm Giá trị sống nhỏ bé thời ấy ở đường Phó Đức Chính - cũng là nơi tá túc của cô - tràn ngập hoa cúc vàng từ tầng trệt cho đến tận lầu ba.
Tình nguyện viên đó đã thức trắng suốt đêm 30 tết để lùng sục tất cả các ngõ ngách của thành phố, đem về trung tâm hơn 100 chậu hoa cúc vàng bị bỏ lại trên đường do không bán được sau thời khắc giao thừa. Đó là cái tết rực rỡ nhất của Trish từ trước đến nay: những bông hoa bị bỏ đi nhưng lại tỏa một vẻ đẹp diệu kỳ và ấm áp tại Trung tâm Giá trị sống.
Đối với Trish, những đóa hoa của tết năm 2006 ấy đã hóa thành bất tử vì Phạm Hoàng Giang, tình nguyện viên đặc biệt năm xưa, đã vĩnh viễn ra đi ba năm về trước vì căn bệnh AIDS. Là một chàng trai trẻ quê Hải Phòng, Giang từng chơi với một nhóm bạn xấu nên bị trả thù bằng một mũi kim tiêm. Hoàng Giang nghiện ma túy và tìm đến trung tâm, rồi tự cai bằng cách áp dụng các phương pháp giáo dục giá trị sống. Giang đã trở thành một thành viên trong gia đình Giá trị sống, nhiệt tình, năng nổ làm bất cứ việc gì cho trung tâm, không nề hà trở ngại, khó khăn.
Giờ đây, Trung tâm Giá trị sống đã trở thành ngôi nhà chung cho 50 tình nguyện viên - những người thuộc đủ mọi tầng lớp, quê quán, xuất xứ. Họ có thể là những trí thức xuất sắc, những người thành đạt, hoặc những hoàn cảnh kém may mắn - tất cả đều trở thành anh chị em dưới một ngôi nhà, rộn ràng đón tết cùng Trish Summerfield mỗi khi mùa xuân hé những nụ non mơn mởn trên cành. Họ quây quần nấu nướng các món ăn, tổ chức những màn biểu diễn văn nghệ, những trò chơi xôm tụ để có những cái tết rực rỡ nhất.
Trish tâm sự cô yêu cái tết Việt Nam vì tết giúp cô khám phá những nét đẹp cổ truyền của dân tộc Việt. Cô nhắc mãi về Tết Nhâm Thìn vừa qua khi cùng chị Phạm Thị Sen và một tình nguyện viên ở Huế - người đã tự nguyện ở lại trung tâm ăn tết - tự tay gói bánh chưng và bánh tét. Cả ba người học gói bánh... theo hướng dẫn của một đoạn video trên YouTube, vì họ đều chưa từng gói bánh bao giờ. Họ đã mất cả đêm 30 để gói và luộc bánh ngoài vườn, những chiếc bánh đủ hình thù, không hề vuông vức, nhưng lại chín đều và rất ngon. Buổi sáng mùng 1 Tết Nhâm Thìn, hơn 40 tình nguyện viên đã đến chúc tết và quây quần ăn sáng với những chiếc bánh chưng và bánh tét mà cô Trish của họ đã tự tay gói tối hôm qua.
NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20130207/nhung-cai-tet-ruc-ro-cua-trish-summerfield/533041.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét